Mô tả Roscoea

Roscoea được tìm thấy từ Kashmir qua Himalaya đến tỉnh Vân Nam, và kéo dài về phía bắc vào Trung Quốc. Có 24 loài đã được công nhận, trong đó có 9 loài đặc hữu Trung Quốc.[1][2][3] Thông thường, chúng mọc ở đồng cỏ, trong các tán cây hoặc bìa rừng cay lá sớm rụng, ở cao độ 1.200–5.000 mét (3.900–16.400 ft), đâm chồi và phát triển vào đầu mùa mưa trong thời kỳ gió mùa ở Nam Á (tháng 6-9 hàng năm).[4]

Các loài Roscoea là những cây thân thảo nhỏ sống lâu năm. Chúng tàn rụi lá mỗi năm chỉ sót lại một thân rễ ngắn thẳng đứng, mà các rễ củ bám vào. Giống như nhiều thành viên khác của bộ Zingiberales, Roscoea có các thân giả: cấu trúc giống như thân cây nhưng thực ra là hình thành từ phần gốc bó chặt của các lá của nó ("bẹ lá"). Các lá không có cuống lá. Các lá phía dưới có thể chỉ gồm một bẹ lá mà không có phiến lá; các lá phía trên có phiến lá tự do với thân giả và có hình dạng thuôn dài hoặc hình mũi mác (tức là dài hơn nhiều lần so với rộng).[3] Tỷ lệ tương đối của các lá không phiến lá so với các lá hoàn chỉnh là một đặc điểm để phân biệt hai nhánh phân chia của chi này.[5]

Hoa mọc thành cành hoa dạng bông thóc ở đầu tận cùng của các thân giả. Cuống cụm hoa có thể dài tới mức làm cho hoa xuất hiện phía trên các lá hoặc ngắn tới mức để chúng xuất hiện giữa các bẹ lá phía trên.[6] Giống như các thành viên khác của họ Gừng (Zingiberaceae), hoa Roscoea có cấu trúc phức tạp (bề ngoài rất giống với hoa lan,[7] mặc dù chúng không có quan hệ họ hàng). Mỗi hoa có một đài hoa bên ngoài hình ống, chẻ một bên và kết thúc bằng 2 hoặc 3 răng. Các cánh hoa hợp sinh ở gốc, sau đó chia thành ba thùy. Thùy trung tâm thẳng đứng và thường có dạng cái nắp đậy; hai thuỳ bên hẹp hơn thuỳ trung tâm. Khi đó, hoa có vẻ như là có 3 cánh hoa ở bên trong, nhưng thực ra chúng được hình thành từ 4 nhị lép (nhị vô sinh). Hai nhị lép bên tạo thành một cấu trúc giống như cánh hoa thẳng đứng, thường cũng có dạng nắp đậy; hai nhị lép khác hợp nhất với nhau tạo thành một "môi" trung tâm dễ thấy (cánh môi).[3][gc 1]

Hoa của Roscoea cautleyoides với các cánh hoa và nhị lép.

Nhị sinh sản 1 với chỉ nhị ngắn mang bao phấn hình trụ. Mô liên kết giữa hai túi phấn hoa của bao phấn kéo dài ra phía ngoài tại gốc của nó để tạo thành các cựa. Bầu nhụy có 3 ngăn, cuối cùng sinh ra nhiều hạt nhỏ có áo hạt. Vòi nhụy mở rộng lên phía trên qua một rãnh trong nhị hoa để xuất hiện phía trên đỉnh của nó.[3][8]

Hoa của Roscoea auriculata cho thấy các "cựa" trên nhị hoa

Cấu trúc hoa và thụ phấn

Các bông hoa giống hoa lan này với ống tràng dài dường như là sự thích nghi để thụ phấn nhờ các côn trùng lưỡi dài chuyên tìm kiếm thức ăn trong loại hoa này.[9] Thiết kế của hoa cho thấy cánh môi hoạt động như một bãi đáp và nếu một côn trùng thụ phấn chui đầu vào hoa để kiếm mật hoa, nó sẽ đẩy các cựa trên nhị hoa xuống, làm cho bao phấn (và đầu nhụy nằm phía trước nó) uốn cong và tiếp xúc với lưng của côn trùng đó.[10] Tuy nhiên, ở hai loài duy nhất được nghiên cứu chi tiết cho đến nay (R. cautleyoides và R. humeana), các loài thụ phấn thực sự là ong lấy phấn hoa với lưỡi ngắn.[11] Ở ít nhất một loài, R. schneideriana, người ta đã chỉ ra rằng nếu không xảy ra thụ phấn chéo thì đầu nhụy sẽ uốn cong lên về phía bao phấn, do đó có hiệu quả đối với sự tự thụ phấn.[9] Một gợi ý khác là mặc dù các động vật thụ phấn ban đầu có thể là côn trùng lưỡi dài, nhưng hiện nay chúng không còn ở ít nhất một số khu vực nơi Roscoea xuất hiện, do đó chi này có thể tồn tại trong môi trường sống miền núi cao thông qua sự hiện diện của các loài động vật thụ phấn thông thường nói chung và khả năng tự tương thích.[11]